Tìm kiếm Tài nguyên trên violet.vn
Năm đầu tiên tôi làm chủ nhiệm
Đối với mỗi giáo viên, chắc hẳn thầy cô đều đã được trải nghiệm rất nhiều công việc khác nhau trong nhà trường, từ việc giảng dạy đến hỗ trợ các sự kiện, hoạt động ngoại khóa cũng như công tác chủ nhiệm lớp. Những công việc này dù đã được học và được làm quen trong quá trình thực tập ở trường đại học nhưng dường như nó quá ngắn ngủi để những giáo viên mới vào nghề cảm thấy thật sự tự tin khi phải đối mặt với các công việc cụ thể. Với công tác chủ nhiệm, tôi luôn dành cho nó một sự yêu mến và hứng thú, vì ở đó, tôi cảm giác những bạn học sinh luôn gắn bó và đồng hành với mình trong suốt một năm học. Dù được đào tạo, trải qua nhiệm vụ phó chủ nhiệm trong một năm, nhưng năm chủ nhiệm đầu tiên trong sự nghiệp của tôi cũng có rất nhiều điều đáng nói. Tôi nghĩ rằng, có những ĐIỂM YẾU không nên mắc phải khi lần đầu được thực hiện nhiệm vụ này.
Ảnh minh họa. Nguồn giaoduc.net.vn
Quá tâm huyết với lớp chủ nhiệm
Năm đầu tiên được thực hiện công việc này một cách độc lập, tôi dành rất nhiều thời gian và công sức cho lớp chủ nhiệm. Không chỉ quan tâm lớp chủ nhiệm trong thời gian quy định mà thậm chí còn xuống lớp những giờ ra chơi, những giờ ăn nhẹ để hỏi han tình hình học tập của lớp. Những sự kiện, hoạt động ngoại khóa, tôi luôn nhấn mạnh, sử dụng nhiều điểm thưởng hay phần thưởng để động viên học sinh tham gia. Sau khi từ trường trở về nhà lúc 9h tối, tôi vẫn tiếp tục trả lời tin nhắn của học sinh, của phụ huynh, nhắc nhở các con vấn đề này, lưu ý hoàn thành sự kiện kia… Thành tích xếp loại của lớp hàng tháng khiến tôi cảm thấy rất hài lòng và hạnh phúc. Với tôi, sự quan tâm đó dường như rất cần thiết để kịp thời có những nhắc nhở, động viên. Nhưng có lẽ, cách quan tâm và tâm huyết đó chỉ phù hợp với một phần các bạn học sinh tích cực, hứng thú. Còn những bạn học sinh còn lại thấy cô thật “phiền phức”. Và khi nhận ra, tôi nghĩ mình cần “cân bằng” lại những điều đó.
Hơn nữa, việc tâm huyết khiến cho tôi dễ thất vọng khi lớp có những việc không như ý muốn. Có những ngày tôi buồn và thất vọng chẳng làm được việc gì nếu như học sinh có thái độ không tốt với mình.
Luôn cố gắng thể hiện mình là một giáo viên chủ nhiệm tâm lý
Là một giáo viên trẻ – nhiều người nghĩ đó là một bất lợi do chưa “đủ tiếng nói” với học sinh và phụ huynh nhưng tôi lại tìm được một “lợi thế” rất lớn là có thể gần gũi và hiểu học sinh hơn. Vì vậy, tôi nói chuyện và chia sẻ với học sinh khá nhiều. Điều đó khiến cho mối quan hệ giữa tôi và học sinh lớp chủ nhiệm khá tốt. Tuy nhiên, sau đó tôi lại gặp khó khăn khi học sinh phạm lỗi và tôi muốn nghiêm khắc nhắc nhở.
“Rất sợ” khi giao tiếp với phụ huynh
Là giáo viên chủ nhiệm lần đầu tiên, công việc “khó nhằn” là giao tiếp với phụ huynh. Mỗi khi nói chuyện với phụ huynh, tôi thực sự cảm thấy chưa tự tin. Giai đoạn đầu, tôi tưởng tượng và “sợ đủ thứ”. Tôi luôn cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu của họ, dù đó không thuộc phận sự của mình. Điều này khiến tôi khá áp lực. Tuy nhiên, khi tâm lý được giải tỏa, mọi thứ sẽ khác. Hãy bình tĩnh và nghĩ cuộc nói chuyện đó là một cuộc trao đổi bình thường mà hai bên đều muốn chia sẻ, bạn sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn.
Mỗi năm học sẽ là một trải nghiệm để giáo viên có thể tích lũy thêm một số kĩ năng, kinh nghiệm cho riêng mình trong công tác giảng dạy, chủ nhiệm cũng như các công việc khác. Dù có làm tốt đến đâu nhưng không ai có thể tự tin nói mình là một giáo viên chủ nhiệm tốt. Vì vậy, không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm là một điều rất tự nhiên và cần thiết đối với giáo viên.
Theo taogiaoduc.vn
Hỗ Trợ Thư Viện Violet @ 10:00 22/11/2018
Số lượt xem: 3027
- TẶNG CÁC THẦY CÔ GIÁO TƯƠNG LAI: ĐỪNG SỢ, HÃY CỨ LÀM ĐI... (19/11/18)
- Học sinh muốn giáo viên chăm chút vẻ bên ngoài ! (19/11/18)
- Món quà 20/11, không cần gói (19/11/18)
- Phải nhìn nhận thực tế, giáo viên khó sống chân chính được bằng nghề (16/11/18)
- 5 cách giáo viên có thể sử dụng công nghệ để hỗ trợ học sinh (15/11/18)
Các ý kiến mới nhất